Hãy xem đầu tư công nghệ giống như đầu tư nhà xưởng. Lúc này, doanh nghiệp (DN) không quan tâm đến việc nhà xưởng phải lộng lẫy hay đắt đỏ, mà quan trọng là công năng – hiệu quả đầu tư và tìm được người có năng lực giúp họ thực thi.
Vanessa Phan – Founder & CEO của ANATICS Consulting Firm – cho biết, trong suốt 12 năm làm việc trong lĩnh vực quản lý điều hành và tư vấn chiến lược tăng trưởng DN, cô đã gặp rất nhiều chủ DN đầu tư công nghệ, nhưng chưa biết nên bắt đầu từ đâu, cần bao nhiêu tiền, cũng như đo lường hiệu quả như thế nào. Điều này dẫn đến việc đầu tư thường mang tâm thế “thử và sai”, đầu tư rời rạc và kém hiệu quả!
“Thách thức lớn nhất khi áp dụng công nghệ của các DN truyền thống đó là các Chủ DN chưa có cái nhìn tổng thể về việc ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh doanh của họ, từ các chiến lược kinh doanh dài hạn đến các hoạt động vận hành cần công nghệ gì để đạt mục tiêu kinh doanh nào?”, Vanessa chia sẻ trong hội thảo Vietnam Mobile Summit 2024.
Xác định chiến lược công nghệ phục vụ chiến lược kinh doanh như thế nào?
Để có góc nhìn tổng thể như vậy, theo Vanessa, chủ DN cần tiếp cận vấn đề theo góc nhìn Top-Down: Từ cấp chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp nhìn xuống. Đầu tiên, cần xác định định hướng 3-5 năm của DN sẽ tăng trưởng theo hướng nào, có “bắt buộc” phải đi theo hướng công nghệ để tăng trưởng hay không?
Hãy tưởng tượng đầu tư công nghệ như đầu tư nhà xưởng
Khó khăn phổ biến nhất là các nhà lãnh đạo thường quyết định ngân sách đầu tư mua sắm phần mềm theo cảm tính, chưa tìm được các chỉ số đánh giá để tính toán hiệu quả của các giải pháp công nghệ.
Vanessa Phan khuyên rằng, với các DN truyền thống, hãy xem đầu tư công nghệ giống như đầu tư nhà xưởng. Không có chủ DN nào quan tâm đến việc nhà xưởng lộng lẫy hay đắt đỏ, mà họ đều xuất phát từ nhu cầu sử dụng để xác định công năng trước khi đầu tư. Tương tự theo quan điểm này, chủ DN cũng cần xác định nhu cầu “dùng công nghệ” để phát triển kinh doanh? Mức độ sẵn sàng đầu tư cho công nghệ sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm so với mức dự đoán tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận tương ứng?
Lãnh đạo thời kỳ số có thể không cần là chuyên gia công nghệ
Theo báo cáo của TechRepublic (2023), chỉ có khoảng 35% chủ DN nhỏ và vừa (SMEs) cho rằng họ hiểu biết đầy đủ về công nghệ để ứng dụng cho hoạt động kinh doanh.
Tại nhiều DN Việt, nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) thường được giao cho nhân sự IT hoặc CTO (Giám đốc Công nghệ). Tuy nhiên, người có chuyên môn công nghệ chưa chắc đã có kiến thức về kinh doanh. Họ nắm vững cách xây dựng một website bán hàng online, nhưng không thể nắm hết các chiến lược bán hàng để lựa chọn giao diện hoặc điều chỉnh chức năng phù hợp.
Theo kinh nghiệm của Vanessa, đa số các quản lý, chủ doanh nghiệp ở Việt Nam có tư duy số tốt và đã triển khai các dự án phần mềm thành công cho các DN SMEs thường không phải người học chuyên ngành công nghệ. Họ – các lãnh đạo thời kỳ số – thường là những nhân sự cấp quản lý ở các bộ phận như tài chính, kế toán, bán hàng, sản xuất, marketing… Điều đặc biệt giúp họ thành công chính là vì họ đã tiếp xúc nhiều với số liệu và hiểu cách thức một phần mềm hoạt động để giúp họ ghi nhận dữ liệu, tính toán như thế nào?
Đối với DN truyền thống, đặc biệt là SMEs tại Việt Nam, việc đầu tư một đội ngũ IT 3-5 người sẽ tốn kém rất nhiều chi phí và hiệu quả không cao. Giải pháp tối ưu hàng đầu sẽ là tuyển dụng các nhân sự cấp quản lý đã có kinh nghiệm triển khai phần mềm thành công ở các DN khác cùng ngành, để trở thành các lãnh đạo số trong DN và để họ phối hợp với các đối tác phần mềm thương mại (SaaS) có kèm dịch vụ vận hành hệ thống hàng ngày.
Việc bổ sung kiến thức về cách ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh (digital mindset)… là nhiệm vụ của tất cả các lãnh đạo trong thời kỳ số – Digital Leaders.
Từ góc nhìn cá nhân, Vanessa Phan nhấn mạnh: “Việc bổ sung kiến thức về cách ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh (digital mindset) không còn là nhiệm vụ chỉ của bộ phận IT. Đó là nhiệm vụ của tất cả chúng ta – các lãnh đạo trong thời kỳ số – Digital Leaders”.
Nguồn bài viết: Doanh nghiệp thiếu góc nhìn tổng thể khi đầu tư công nghệ | Cafebiz